Ở thôn 8, xã Nông Trường (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa), chàng trai Hoàng Văn Nguyên nổi tiếng là một thanh niên trẻ làm ăn kinh tế giỏi với mô hình trang trại trồng nấm linh chi đỏ.
Nguyên năm nay 32 tuổi, tốt nghiệp Đại học Nông Lâm năm 2009. Ra trường với tấm bằng cử nhân công nghệ sinh học, anh được nhận vào việc cho một công ty chuyên cấy men vi sinh thức ăn chăn nuôi tại một huyện miền núi Thanh Hóa.
Năm 2010, Nguyên xin nghỉ việc khăn gói vào Nam làm nhân viên kiểm tra chất lượng hàng cho một công ty với hy vọng mở ra một tương lai tốt hơn. Hai năm sau, vì đồng lương không cao, anh lại ngược ra Bắc làm nhân viên cho một công ty chuyển giao công nghệ ở Hà Nội.
Hoàng Văn Nguyên bên trang trại nấm linh chi đỏ của mình. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Thời điểm này, chàng trai trẻ tìm hiểu và được biết nấm linh chi đỏ đem lại nguồn thu nhập cao. Đầu năm 2013, anh quyết định nghỉ việc để tìm ra Quảng Ninh khảo sát, học hỏi kinh nghiệm về mô hình trang trại nuôi nấm.
Vài tháng sau, khi có trong tay các bí quyết, Nguyên trở về quê tận dụng hơn 300 m2 đất vườn nhà để mở trang trại nuôi nấm linh chi đỏ. "Tôi nhận thấy quê mình có điều kiện phù hợp về khí hậu. Nguồn nhân công, nguyên liệu để nuôi nấm như gỗ keo lại có sẵn, giá rẻ", anh tâm sự.
Nghĩ là làm, chàng trai trẻ quyết định vay vốn 300 triệu đồng để khởi nghiệp. Nhưng 4 tháng sau, Nguyên đối diện với thử thách đầu tiên khi lứa nấm đầu tiên thất bại, không đảm bảo được chất lượng như mong muốn. Lần đó, do thời tiết giá rét khắc nghiệt, toàn bộ nấm đến kỳ thu hoạch của ông chủ nhỏ bị chết. Ước tính thiệt hại lên đến 100 triệu đồng.
Mỗi năm, Nguyên thu lãi cả trăm triệu đồng nhờ nuôi nấm linh chi đỏ. Ảnh: Nguyễn Dương. |
"Nấm linh chi đỏ dược liệu trồng không 'dễ chịu' như những loài nấm thường khác. Đáng ra lần đó tôi phải theo dõi thời tiết để thu hoạch sớm hơn", anh nhớ lại.
Không nản lòng, Nguyên rút kinh nghiệm cải tạo trang trại bằng việc lập mái trang trại bằng lá cỏ, đảm bảo độ ẩm, tiến hành gieo cấy đúng mùa và thu hoạch trước thời điểm giá rét. Thời gian rảnh, anh tận dụng nhiều mối quan hệ để giới thiệu sản phẩm và gầy dựng nhiều mối khách hàng thân quen.
Lần thu hoạch thứ hai, sản phẩm nấm linh chi hư hại giảm dần và cho thu hoạch 6 tạ mỗi năm, Nguyên thu về hơn 200 triệu đồng.
Cứ như thế, đến nay, mô hình nuôi nấm tại gia của Nguyên cho thu hoạch ổn định mỗi năm. Hiện trang trại của Nguyên có khoảng 2 vạn phôi giống, bình quân thu về sau 4 vụ gần 7 tạ một năm. Trừ các chi phí, mỗi năm Nguyên có thu nhập khoảng 200-250 triệu đồng.
Chia sẻ về kỹ thuật nuôi nấm linh chi, ông chủ trẻ cho hay các khâu từ chọn nguyên liệu đến kỹ thuật hấp, ươm và quan trọng nhất là tạo độ ẩm đều được tỉ mỉ thực hiện. Nhiệt độ từ 25 đến 32 độ C, độ ẩm 90-95% là thích hợp nhất với loại nấm này, vì vậy người trồng cần tưới nước và tạo độ ẩm thường xuyên để cây nấm phát triển tốt.
"Thông thường trong điều kiện thuận lợi thì sau 3 tháng có thể thu hoạch nấm. Mỗi phôi nấm thu hoạch được 4 lần cắt, cắt lần đầu thì năng suất nhất, càng về những lần sau thì năng suất giảm dần", Nguyên vui vẻ nói.
Trang trại nấm tại gia của Nguyên ở xã Nông Trường. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Ngoài đem lại thu nhập ổn định cho gia đình, chàng trai này còn tạo việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương. Vụ chính, trang trại của anh thu hút 20-25 lao động với mức lương từ 100.000 đến 200.000 đồng một ngày, tuỳ từng công việc.
Trao đổi với Zing.vn, ông Lê Ngọc Tuyến, Phó chủ tịch UBND xã Nông Trường, cho biết Hoàng Văn Nguyên là gương thanh niên dám nghĩ dám làm ở địa phương.
"Nguyên là người đưa mô hình nuôi nấm linh chi đỏ đầu tiên về địa phương. Hiện mô hình này cho hiệu quả kinh tế cao", ông Tuyến nói.
- CÔNG DỤNG CỦA NẤM LINH CHI (19.10.2015)
- HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG NẤM LINH CHI (19.10.2015)